Thuốc Đông y điều trị viêm phế quản

Trong thời tiết mùa đông, nhiệt độ trong ngày chênh lệch lớn, nóng lạnh thay đổi đột ngột khiến mọi người, đặc biệt là trẻ em và người già yếu dễ mắc viêm phế quản. Câu hỏi mà nhiều độc giả quan tâm là điều trị bằng YHCT có mang lại hiệu quả với bệnh viêm phế quản hay không khi mà việc lạm dụng kháng sinh tại nước ta đang gia tăng và nhiều cảnh báo nguy cơ kháng thuốc? Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các phương pháp của YHCT trong điều trị viêm phế quản.

Bệnh viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm cấp hoặc mạn tính niêm mạc đường thở từ thanh quản trở xuống tới nhu mô phổi. Căn nguyên gây viêm phế quản thường là do virut, vi khuẩn. Đây là bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp thường gặp khi thời tiết chuyển mùa.

Theo YHCT, viêm phế quản thuộc phạm vi chứng “khái thấu” và “đàm ẩm”. Theo YHCT, nguyên nhân gây bệnh bên ngoài chủ yếu do cảm thụ phải tà khí của lục dâm như ngoại cảm phong hàn, phong nhiệt. Những yếu tố này làm cho phế khí bị ngưng trệ, mất tuyên thông chức năng thăng giáng khí của phế bị rối loạn dẫn đến người bệnh ho, có đờm nhiều. Ngoài ra, vào mùa thu, táo tà thường từ bên ngoài xâm phạm vào phế, làm tổn thương tân dịch của phế, dẫn đến ngứa họng, ho khan. Theo YHCT, các yếu tố gây bệnh bên trong thường do chức năng của 3 tạng phế, tỳ, thận bị suy giảm, hàn thấp làm tổn thương tỳ, thành đàm dẫn đến ho và khạc đờm nhiều hoặc do vị trường tích nhiệt, nhiệt sẽ làm tổn thương phế dẫn đến phế, thận âm hư làm cho khí và tân dịch đều bị tổn thương đưa đến ho và khạc đờm.Viêm phế quản

Viêm phế quản là chứng bệnh hay gặp trong mùa đông.

Tùy bệnh cấp tính hay mạn tính mà dùng bài thuốc phù hợp như sau:

Viêm phế quản cấp tính: Thường do phong hàn, phong nhiệt và khí táo gây ra.

Do phong hàn:

Triệu chứng: Thường gặp ở giai đoạn đầu của viêm phế quản cấp. Người bệnh ho, đờm trong lỏng, sắc trắng dễ khạc, kèm theo tắc mũi, chảy nước mũi trong. Toàn thân sốt, sợ lạnh, đau đầu, cảm giác đau mỏi người, không ra mồ hôi, khản tiếng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch nhu.

Phương pháp điều trị: Sơ tán phong hàn, tuyên phế, hóa đàm.

Bài thuốc: Hạnh tô tán gia giảm: hạnh nhân 12g, tô diệp 10g, trần bì 8g, chỉ xác 8g, tiền hồ 12g, cát cánh 10g, bán hạ chế 8g, cam thảo 4g, sinh khương 3 lát, phục linh 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng, chiều.

Do phong nhiệt:

Triệu chứng: Thường gặp trong viêm phế quản cấp hay đợt cấp của viêm phế quản mạn tính. Người bệnh ho, tiếng ho nặng, khạc đờm đặc hay vàng, miệng khát, họng đau, nước mũi vàng đục. Toàn thân: sốt cao, ra mồ hôi, sợ gió, nhức đầu, toàn thân đau mỏi; rêu lưỡi vàng mỏng, hoặc trắng mỏng, mạch phù sác.

Phương pháp điều trị: Sơ phong thanh nhiệt, tuyên thông phế khí.

Bài thuốc: Tang cúc ẩm gia giảm: tang diệp 12g, cúc hoa 12g, liên kiều 16g, tiền hồ 12g, bạch hà 6g, hạnh nhân 12g, cát cánh 10g, cam thảo 6g, lô căn 8g, ngưu bàng tử 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng, chiều.

Thể khí táo:

Triệu chứng: Người bệnh ho khan, ít đờm, họng khô, mũi khô, lưỡi khô. Toàn thân: phát sốt, sợ gió, đau họng, đôi khi ho có lẫn ít đờm, trong có tia máu. Rêu lưỡi vàng, đầu lưỡi đỏ, mạch phù.

Phương pháp điều trị: Nhuận táo dưỡng phế. Nếu ôn táo: sơ phong thanh nhiệt. Nếu lương táo: sơ tán phong hàn.

Bài thuốc: Tang bạch thang gia giảm: tang diệp 12g, hạnh nhân 12g, sa sâm 12g, xuyên bối mẫu 6g, đậu xị 12g, chi tử 8g, cát cánh 10g, tiền hồ 12g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng, chiều.

Viêm phế quản mạn tính: Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính thường được chữa như viêm phế quản cấp. Nếu không trong đợt cấp thì viêm phế quản mạn tính thường phân chia thành 2 thể lâm sàng: thể đàm thấp và thể thủy ẩm.

Thể đàm thấp:

Triệu chứng: Người bệnh ho và khạc đờm nhiều, đờm trắng dính, lỏng hoặc thành cục. Ngực bụng có cảm giác đầy tức, ăn kém, tinh thần mỏi mệt. Rêu lưỡi trắng nhờn, mạch nhu hoạt.

Phương pháp điều trị: Kiện vận tỳ vị, táo thấp hóa đàm.

Bài thuốc: Kết hợp 2 bài thuốc Lục quân tử thang và Bình vị tán gia vị: đẳng sâm 12g, bạch truật 16g, phục linh 16g, cam thảo 4g, trần bì 8g, bán hạ chế 10g, thương truật 12g, hậu phác 12g, sinh khương 3 lát, đại táo 3 quả, ngưu bàng tử 12g, hạnh nhân 12g, ý dĩ 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng, chiều.

Thể thủy ẩm (hàn ẩm): Thường hay gặp ở người bệnh viêm phế quản mạn tính kèm theo giãn phế nang ở người cao tuổi, suy giảm chức năng hô hấp, bệnh tâm phế mạn.

Triệu chứng: Thường ho kéo dài hoặc hay tái phát, khó thở khi trời lạnh thì ho tăng lên khạc ra nhiều đờm lỏng trắng. Khi vận động các triệu chứng trên tăng nặng. Khó thở nhiều thì nằm phải gối đầu cao. Toàn thân: sợ lạnh, rêu lưỡi trắng trơn, mạch tế nhược.

Phương pháp điều trị: Ôn phế, hóa đàm.

Bài thuốc: Tiểu thanh long thang gia giảm: ma hoàng 6-8g, quế chi 8g, tế tân 4-6g, can khương 6g, bán hạ chế 12g, ngũ vị tử 6-8g, bạch thược 12g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng, chiều.

TS.BS. Trần Thái Hà (Trưởng khoa Lão, Bệnh viện YHCT Trung ương)

Ngũ vị và chiêm nghiệm cuộc đời

Người xưa tin rằng, ngũ hành tương sinh tương khắc, chuyển hóa qua lại, là nguồn gốc của sự vận động vũ trụ và bên trong con người. Chính vì thế, nếu dinh dưỡng cân bằng được ngũ vị, sẽ đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, ngũ tạng được bồi bổ, sức khỏe dài lâu.

Tác dụng của các vị

Đông Y cho rằng, ngũ vị tương ứng với ngũ hành tạng phủ như sau: vị chua thuộc Mộc vào tạng Can, vị cay thuộc Kim vào tạng Phế, vị mặn thuộc Thủy vào tạng Thận, vị ngọt thuộc Thổ vào tạng Tỳ, vị đắng thuộc Hỏa vào tạng Tâm. Chuộng vị nào sẽ bổ cho tạng đó.

Để đảm bảo cho các cơ quan được hoạt động tốt, người ta có thể “bổ” chúng bằng các vị. Mỗi cơ quan tương ứng với một vị. Bằng cách áp dụng tương sinh và tương khắc, ta có thể rút ra được:

Vị mặn đi vào thận (hành thủy), nhưng mặn quá sẽ hại tim và ruột non (hành hỏa).

Vị đắng đi vào tim (hành hỏa), nhưng đắng quá sẽ hại phổi và ruột già (hành kim).

Vị cay đi vào phổi (hành kim), nhưng quá cay sẽ hại gan (hành mộc).

Vị chua đi vào gan (hành mộc), nhưng chua quá sẽ làm hỏng tỳ vị (hành thổ).

Vị ngọt đi vào dạ dày, tuyến tụy (tỳ, vị - hành thổ), nhưng ngọt quá sẽ hại thận và bàng quang (hành thủy).

Ngũ vị

Theo y học cổ truyền, mỗi loại thức ăn đều có những tính chất riêng, được người xưa chia ra “tứ khí” và “ngũ vị”. Tứ khí: nóng, lạnh, ấm, mát. Nóng và ấm là dương. Lạnh và mát là âm. Trong số các thức ăn hằng ngày, như các loại thịt: thịt dê có tính nóng (nhiệt), thịt chó có tính ấm (ôn), còn thịt vịt tính mát (lương).

Ngũ vị còn tượng trưng cho năm cung bậc cảm xúc của con người:Ngọt ngào, mặn nồng, chua chát, đắng cay trong cuộc đời. Phàm đã sống trên đời, ai cũng phải trải qua năm cảm xúc đó, không thể tránh khaỏi. Thưởng thức một món ăn có đủ ngũ vị còn là một sự chiêm nghiệm, nghĩ về những điều đã xảy ra trong đời.

Điều lý thú là đối với các thứ rau quả có thể thông qua màu sắc mà biết được đặc tính nóng lạnh của chúng. Các thứ rau quả có màu sắc nhạt phần nhiều là lạnh và mát, các thứ thẫm màu thường là ấm, nóng. Củ cải, lê, chuối tiêu có tính mát, còn táo, đậu đen, đậu đỏ có tính ấm. Đối với thủy sản thì đại đa số những thứ có vỏ cứng như cua, ốc, rùa... thường có tính lạnh hoặc mát; các thứ như: lươn, tôm, cá trắm... có tính ấm hoặc nóng.

Thức ăn có thể nuôi sống người và có thể hại người, cho nên cần chủ động lợi dụng các đặc tính về hàn nhiệt của thức ăn để điều chỉnh lại sự cân bằng của âm dương trong cơ thể. Người ta tuy béo gầy, cao thấp khác nhau, song để bồi bổ, có thể chia ra 2 loại lớn, đó là: “âm hư” và “dương hư”.

Người âm hư: thường thấy lòng bàn chân, bàn tay nóng, trong người bứt rứt không yên, miệng khô, chất lưỡi đỏ, mạch đập nhanh, đại tiện táo... Người thuộc tạng này nên ăn các thứ như: mộc nhĩ, hạt sen, bí đao, dưa chuột, đậu phụ, chuối tiêu, dưa hấu, thịt vịt, thịt ngỗng, trứng gà, cá diếc, cá trắm đen, ếch... Những thứ như tỏi, ớt, thịt dê không nên dùng; thịt bò, thịt chó, quả nhãn, quả vải không nên dùng nhiều.

Người dương hư: nét mặt xanh nhợt, sợ lạnh, tiểu tiện trong dài, đại tiện nhão nát, mạch trầm tế (mạch chìm sâu và nhỏ yếu), chất lưỡi nhạt... Người thuộc tạng này nên ăn các thức ăn hỗ trợ dương khí như: thịt dê, thịt chim sẻ...; nên ăn hoa quả như: đào, hạnh, vải, nhãn, mít, dứa...; không nên dùng quá nhiều những thứ thịt, cá và rau quả có tính lạnh.

Ngũ vị: kết quả khí hóa của âm dương. “Ngũ vị” là 5 thứ vị: cay - ngọt - chua - đắng - mặn (tân - cam - toan - khổ - hàm). Nói chi tiết thì phải kể đến cả vị nhạt (đạm), song nó thường được xếp cùng vị ngọt, cho nên thường chỉ nói đến 5 vị. Ngũ vị liên quan đến thành phần, tác dụng dinh dưỡng và tác dụng điều trị của thức ăn. Thành phần khác nhau thì vị sẽ khác nhau, giá trị dinh dưỡng và tác dụng điều trị cũng sẽ khác. Điều hòa ngũ vị không những là điều hòa sự quân bình về âm dương trong nội bộ cơ thể, mà còn là sự cân bằng giữa cơ thể và môi trường bên ngoài. Một năm có 4 mùa, phải điều hòa ngũ vị sao cho cơ thể hòa hợp được với khí 4 mùa trong trời đất. Cụ thể: mùa Xuân cần hạn chế vị chua và tăng thêm vị ngọt, mùa Hạ nên ăn ít các thứ đắng, mặn và ăn nhiều các thứ cay ấm; mùa Thu cần “giảm cay tăng chua”; mùa Đông nên hạn chế vị mặn và tăng cường vị đắng. Sự điều tiết ngũ vị trong 4 mùa cũng không ngoài mục đích là làm cho âm dương và ngũ hành trong cơ thể vận hành đồng bộ phù hợp với tứ khí 4 mùa trong trời đất. Thuận theo trời đất mà điều hòa thân thể cũng là bí quyết lớn nhất của thuật dưỡng sinh phương Đông.

Sáng tạo: ngũ vị hương

Ngũ vị hương là loại gia vị mang đậm bản sắc văn hóa phương Đông. Đó vừa là sự hòa quyện khéo léo giữa triết lý âm dương - ngũ hành đã in sâu trong văn hóa Việt, vừa là sự phản chiếu chính xác các cung bậc tình cảm của con người. Thành phần của ngũ vị hương không giống nhau. Mỗi vùng miền lại có một cách pha chế khác nhau, phụ thuộc vào khẩu vị và đặc sản địa phương. Nhưng thành phần truyền thống là công thức bao gồm: tiêu, quế, đinh hương, hồi hương và hạt cây thì là. Các đầu bếp xưa đã cố gắng tìm ra loại gia vị “hoàn hảo”, bao gồm đầy đủ 5 yếu tố: chua, cay, mặn, ngọt, đắng. Sau đó, một cách tình cờ, họ đã kết hợp được năm loại gia vị khác nhau thành một, và cảm nhận được sức mạnh của loại gia vị mới này trong việc làm các món ăn trở nên sinh động, đậm đà.

Ngũ vị

Tiêu: đúng nguồn gốc thì phải là loại tiêu Szechwan. Gọi là “tiêu” nhưng Szechwan thuộc họ chanh, không cay, vị mạnh tựa mùi long não. Người ta chỉ dùng vỏ ngoài màu đỏ sẫm xay thành bột sau khi phơi khô. Vì không dễ kiếm trên thị trường, nên tiêu Szechwan thường được thay bằng tiêu hột. Tiêu có tác dụng kích thích tiêu hóa, ấm bụng, giảm đau, chống nôn.

Hồi hương: quả của cây hồi, có hình năm cánh xòe ra. Cây trồng được 6 năm thì bắt đầu thu hoạch và thời gian thu hoạch có thể kéo dài suốt cả tuổi thọ của cây, gần trăm năm. Quả được hái khi chưa chín và để phơi cho chín trên các phên mắt cáo, cho đến khi có màu nâu gỉ sắt. Ngoài ra, hạt cây hồi còn dùng cho bánh ngọt, bánh mì, các đồ ngọt và thức uống như trà. Hồi hương có thể chữa họng, ho.

Đinh hương: nụ hoa nguyên búp của cây đinh hương được phơi khô trong 3 ngày và có hương thơm, nhiều tinh dầu, hơi vàng nâu và rắn. Nụ đinh hương phải được bảo quản trong tối và mát. Người ta dùng đinh hương để ướp thịt cá, bánh ngọt và thức uống. Đinh hương có thể dùng trong nấu ăn hoặc là ở dạng nguyên vẹn hay ở dạng nghiền thành bột, nhưng do nó tạo mùi rất mạnh cho nên chỉ cần dùng rất ít. Trong Đông y, đinh hương được dùng để trị nấc cụt, thổ tả, đau bụng còn trong Tây y thì nó kích thích tiêu hóa, sát trùng mạnh.

Mọi thứ bệnh tật đều là do sự mất cân bằng âm - dương gây ra, và thức ăn chính là vị thuốc để điều chỉnh, giúp cơ thể khỏi bệnh

Quế: gia vị lấy từ vỏ quế, hiện diện rất nhiều trong các món ngọt tráng miệng châu u, nhưng lại được dùng nhiều trong các món ăn mặn tại châu Á. Trong mọi trường hợp thì quế là loại tương đối đắt tiền từ trước đến nay. Quế giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch, trị các vấn đề về hô hấp, giảm đau cơ khớp, cải thiện hệ miễn dịch.

Thì là: loại cây có thể dùng cả lá, hột hoặc củ rễ để làm gia vị. Tuy có nguồn gốc từ các vùng Địa Trung Hải nhưng cây được người Trung Quốc và Ấn Độ biết đến từ rất sớm. Thì là là vị thuốc hỗ trợ tiêu hóa, giúp điều hòa thể trọng, bổ thận, trị đau bụng, đầy trướng bụng.

Ngoài năm loại gia vị truyền thống nêu trên, còn rất nhiều cách kết hợp khác để tạo nên ngũ vị hương. Một công thức thông dụng bao gồm nhục quế, hồ tiêu, đinh hương, tiểu hồi hương và đại hồi. Một số bột ngũ vị hương bán trên thị trường sẽ có thêm bột ớt hay gừng.

Triết lý âm dương - ngũ hành đã in sâu vào truyền thống văn hóa người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung. Đó là triết lý của sự cân bằng, đủ đầy, hài hòa, tượng trưng cho tính cách nghề nông chất phác, thích yên bình, ổn định. Trong ẩm thực cũng thế, người Việt chuộng tính hài hòa giữa các vị, mỗi vị một tí, tạo nên sự đậm đà và dễ chịu hơn là quá nồng ở một vị riêng.

BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ